Tìm hiểu đặc điểm nghề ngành Nhân học xã hội & Văn hóa

Bạn có thể đến với ngành nhân học văn hóa, xã hội từ nền tảng ban đầu là các ngành nhân học, sử học, ngôn ngữ học, khảo cổ học, địa lý học hoặc xã hội học bởi những ngành này có liên quan mật thiết đến nhau.

Nhân học xã hội, văn hóa là một khoa học thuộc ngành nhân học rộng lớn hơn mà bao gồm cả khảo cổ học, nhân học ngôn ngữ, nhân học hình thể. Đặc biệt, nhân học xã hội, văn hóa quan tâm tới những vấn đề của đời sống đương đại trong các xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các vấn đề của xã hội đô thị, tiêu dùng, vấn đề sức khỏe cộng đồng, giao tiếp liên văn hóa v.v…

Nhà nhân học xã hội, văn hóa nghiên cứu về nguồn gốc, sự phát triển và chức năng của các xã hội cũng như các nền văn hóa từng tồn tại và diệt vong trong quá khứ hoặc đang hiện diện. Đối tượng nghiên cứu cụ thể của họ là những vấn đề như tôn giáo, nghi lễ, gia đình và những hệ thống quan hệ huyết thống ngôn ngữ, nghệ thuật và âm nhạc, các hệ thống xã hội và chính trị v.v…

1
Công việc chính của nhà nhân học xã hội, văn hóa

– Tiến hành những nghiên cứu, điều tra về các tộc người, các cộng đồng, các nhóm xã hội trong quá khứ hoặc hiện tại thông qua việc đi khảo sát thực tế, ghi chép lại lịch sử (truyền miệng), quan sát trực tiếp hoặc phỏng vấn. Chẳng hạn họ ghi lại đặc trưng văn hóa của các dân tộc, không chỉ để bảo tồn, mà còn để lý giải và tư vấn cách biến những khía cạnh văn hóa này trở thành động năng phát triển kinh tế và tái sản xuất, duy trì văn hóa trong cộng đồng.

Sinh viên ngành nhân học xã hội, văn hóa biểu diễn văn nghệ

– Giới thiệu những kết quả nghiên cứu của mình với công chúng qua các ấn phẩm như sách báo, các buổi thuyết trình và các cuộc trưng bày bảo tàng… Hiện nay, nhà nhân học xã hội, văn hóa ngày càng sử dụng nhiều phương tiện truyền thông mới như phim ảnh, phim cộng đồng, các phương tiện nghe nhìn, hệ thống thông tin điện tử v.v… để chuyển tải những thông điệp nhiều chiều giữa cộng đồng địa phương, giới khoa học và các nhà hoạch định chính sách.

Nhà nhân học văn hóa, xã hội trước kia thường làm việc trong một khu vực địa lý và khoảng thời gian nhất định, nhưng ngày nay đã mở rộng địa bàn nghiên cứu ra các cộng đồng xuyên quốc gia, thậm chí nghiên cứu thực địa ngay tại các công ty, hãng sở lớn trên thế giới. Họ phân tích, tổng hợp các thông tin, nghiên cứu về các quá trình, những điểm khác biệt về xã hội và lịch sử rồi so sánh chúng với những thể chế của xã hội đó (tôn giáo, tục lệ, thói quen, chăm sóc sức khỏe, nhận thức, phong cách tiêu dùng, văn hóa công sở, doanh nghiệp v.v…).

Như vậy, những công việc chủ yếu của nhà nhân học xăn hóa, xã hội là:

– Làm việc trong những cộng đồng người khác nhau để thu thập và phân tích thông tin về các khía cạnh, các quá trình xã hội và văn hóa, đồ tạo tác, ngôn ngữ cũng như đặc điểm của những nhóm và xã hội mà họ nghiên cứu.

– Nghiên cứu các chế độ chính trị và sự ảnh hưởng của chế độ chính trị, chính sách đối với các xã hội và các nhóm xã hội.

– Thu thập, làm rõ, xác định niên đại, bảo quản những đồ tạo tác của địa phương thuộc diện quan tâm của bảo tàng.

2
Điều kiện làm việc

Nhà nhân học xã hội, văn hóa có thể làm việc trong các viện nghiên cứu, trường đại học, các bảo tàng, các tổ chức cũng như cơ quan khác nhau của Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ… Trong tương lai, các nhà nhân học văn hóa, xã hội có thể làm việc trong các công ty sản xuất và kinh doanh, với vai trò nghiên cứu, phản biện, tư vấn về các vấn đề văn hóa, xã hội có liên quan. Nói chung, địa chỉ làm việc cho người tốt nghiệp ngành nhân học xã hội, văn hóa khá rộng vì ngành khoa học này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.

Trong quá trình thu thập thông tin, các nhà nhân học xã hội, văn hóa có thể dành nhiều thời gian làm việc không phải trong văn phòng đóng kín mà tiếp cận nhiều với cuộc sống dân dã sinh động ở đô thị cũng như nông thôn. Điều này có thể bao hàm việc sống và làm việc ở cả những khu vực miền núi, miền biển, vùng sâu vùng xa, hẻo lánh trong điều kiện khó khăn. Họ luôn sẵn sàng và ưa thích sống và làm việc cùng một cộng đồng, trực tiếp tham gia vào các hoạt động của cộng đồng đó để quan sát và tham dự, thu thập thông tin về cộng đồng mà mình đang nghiên cứu.

3
Phẩm chất và kỹ năng cần thiết

– Ham mê tìm hiểu về bản thân văn hóa của cộng đồng mình và về các cộng đồng người cùng văn hoá của họ

– Óc quan sát tốt

– Khả năng lắng nghe, phỏng vấn, cảm nhận và truyền đạt tốt

– Có tư duy phân tích, tiếp cận vấn đề một cách logic

– Khả năng thu thập và xử lý dữ liệu

– Mong muốn đóng góp thay đổi xã hội và giúp ích cho sự phát triển của cộng đồng

4
Một số địa chỉ đào tạo

Bạn có thể đến với ngành nhân học văn hóa, xã hội từ nền tảng ban đầu là các ngành nhân học, sử học, ngôn ngữ học, khảo cổ học, địa lý học hoặc xã hội học bởi những ngành này có liên quan mật thiết đến nhau.

Một số địa chỉ đào tạo trong sổ tay của bạn: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh), Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Huế, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Dân lập Hồng Bàng, Trường Đại học Dân lập Văn Hiến v.v…

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *